Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, y học cổ truyền Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống y tế, từ thời kỳ dựng nước cho đến giai đoạn hội nhập và phát triển.
Với định hướng phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương nhằm kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và y học hiện đại để nâng cao chất lượng điều trị, đồng thời thúc đẩy sản xuất thuốc dược liệu, đưa y học cổ truyền vươn xa trong nền y tế quốc tế.
Y học cổ truyền Việt Nam gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc
Y học cổ truyền Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Người Việt cổ đã biết sử dụng cây cỏ để chữa bệnh, hình thành những phương pháp điều trị dựa trên kinh nghiệm dân gian. Trong các thư tịch cổ, y học Việt Nam đã có những ghi chép về việc sử dụng thảo dược, bốc thuốc, châm cứu, xoa bóp, dưỡng sinh…
Thời kỳ phong kiến, y học cổ truyền tiếp tục phát triển với những danh y nổi tiếng như Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIV) – người được coi là ông tổ của nền y học dân tộc với triết lý “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam). Sau đó, Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác, thế kỷ XVIII) đã hệ thống hóa và phát triển mạnh mẽ lý luận y học cổ truyền Việt Nam qua bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 66 quyển (bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, sản phụ khoa, khoa nhi, cấp cứu… đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh).
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, y học cổ truyền được kết hợp với y học hiện đại để phục vụ công tác cứu chữa thương bệnh binh. Nhiều bài thuốc dân gian, phương pháp châm cứu, xoa bóp được áp dụng rộng rãi trong điều kiện thiếu thuốc.
Ngày nay, y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong nền y học Việt Nam, là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các bệnh viện y học cổ truyền từ trung ương đến địa phương ngày càng phát triển, kết hợp chặt chẽ với y học hiện đại để nâng cao hiệu quả điều trị. Những phương pháp trị liệu không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, dưỡng sinh đã được khoa học chứng minh có tác dụng tích cực đối với nhiều loại bệnh mãn tính.
Y học cổ truyền cũng có vai trò lớn trong phòng bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều trị bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, cao huyết áp, đau xương khớp. Các bài thuốc nam, thuốc bắc vẫn được nghiên cứu, cải tiến và áp dụng rộng rãi trong cuộc sống hiện đại.
Phát huy tiềm năng và thế mạnh của y học cổ truyền
Nhận thức được tầm quan trọng của y học cổ truyền, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước ta dưới sự lãnh đạo của Đàng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương tăng cường phát triển đông y, kết hợp đông y với tây y, xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Từ đó đến nay Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cũng như hướng dẫn triển khai thực hiện.
Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/5/2005 của Bộ chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra “Đẩy mạnh nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển y học cổ truyền thành một chuyên ngành khoa học… Vận động, khuyến khích và hướng dẫn nhân dân nuôi trồng và sử dụng các cây, con làm thuốc”.
Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới nêu quan điểm chỉ đạo: “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giữ gìn tính đặc thù của nền đông y Việt Nam, đưa nền đông y Việt Nam thành một ngành khoa học mạnh, góp phần tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ đông y”.
Thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, hệ thống khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyển đã hình thành và phát triển rộng khắp trên cả nước và trở thành bộ phận không thể thiếu được trong hệ thống y tế quốc gia. Nhiều công trình nghiên cứu về y dược cổ truyền đã được đưa vào ứng dụng thành công trong việc phòng và chữa bệnh cho Nhân dân.
Sự kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại cũng ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Y học cổ truyền chú trọng vào cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết, nâng cao thể trạng, trong khi y học hiện đại áp dụng kỹ thuật tiên tiến và dược phẩm tổng hợp để chữa bệnh. Ngoài ra, y học cổ truyền có thể giúp giảm tác dụng phụ của thuốc Tây, trong khi y học hiện đại hỗ trợ chẩn đoán chính xác hơn để tối ưu hóa liệu pháp y học cổ truyền. Nhiều bệnh viện tại Việt Nam như Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh đã triển khai tốt mô hình kết hợp này, giúp đa dạng hóa phương pháp và nâng cao hiệu quả điều trị.
Về sản xuất thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, một số công ty dược đã nghiên cứu ứng dụng các bài thuốc cổ phương, tân phương đưa vào sản xuất thành công ở quy mô lớn. Do được đầu tư nghiên cứu phù hợp, có sự hợp tác của các nhà khoa học, các sản phẩm đông dược này được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, vẫn giữ được bản sắc cổ truyền và có hiệu quả điều trị cao, đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.
Phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn mới
Bên cạnh những thành tựu to lớn của y dược cổ truyền, công tác nghiên cứu và ứng dụng các công trình nghiên cứu về y dược cổ truyền vẫn còn có bất cập; nhiều tiềm năng về y dược cổ truyền chưa được nghiên cứu khai thác, ứng dụng; nhiều bài thuốc gia truyền có nguy cơ thất truyền. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại việc chất lượng dược liệu chưa được quản lý triệt để do trôi nổi trên thị trường, khó kiểm soát làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của các bài thuốc đông y.
Ngày 28/10/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1280/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 86-KL/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới. Quyết định đã đặt ra kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy nền y học cổ truyền và Hội Đông y Việt Nam.
Kế hoạch nêu rõ các nội dung cần thực hiện, gồm: nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phát triển Nền Y học cổ truyền Việt Nam; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển Nền Y học cổ truyền; nâng cao năng lực, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực y học cổ truyền; phát triển dược liệu và thuốc cổ truyền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y học cổ truyền; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu cả về y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của y học cổ truyền Việt Nam ra trường quốc tế…
Theo các chuyên gia, cùng với chính sách phát triển chung, việc nghiên cứu và chuẩn hóa bài thuốc là yêu cầu cấp thiết. Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú, nhưng để nâng cao hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho người bệnh, cần tiến hành kiểm nghiệm lâm sàng và xây dựng quy trình sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay đã có một số công ty dược đã ứng dụng thành công các bài thuốc cổ phương vào sản xuất quy mô lớn, góp phần hiện đại hóa ngành dược liệu.
Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để duy trì và nâng cao chất lượng y học cổ truyền. Đội ngũ lương y, bác sĩ y học cổ truyền cần được đào tạo bài bản, kết hợp giữa lý luận và thực hành nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.
Tăng cường kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại cũng là xu hướng tất yếu nhằm tận dụng thế mạnh của cả hai phương pháp. Đồng thời, cần đẩy mạnh bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu.
Ngoài ra, để y học cổ truyền phát triển bền vững, cần đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng công nghệ. Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của y học cổ truyền thông qua các chương trình giáo dục, truyền thông sẽ giúp người dân có cái nhìn đúng đắn về lĩnh vực này.
Như vậy, trong bối cảnh mới, y học cổ truyền Việt Nam không chỉ là một phần di sản văn hóa mà còn đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, đang tạo điều kiện để lĩnh vực này phát triển vững chắc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Để phát huy tối đa tiềm năng, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuẩn hóa bài thuốc, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, từ đó khẳng định vị thế của y học cổ truyền Việt Nam trong nền y học thế giới./.
(link gốc tại đây)
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Hotline: 0797654525 (Ms. Linh)








Fanpage:
Trung Tâm Điều Trị Điểm Đau & Thể Dục Phục Hồi
Viện Đào Tạo Nghề YHCT Hòa Minh
Bài viết liên quan
ĐÀO TẠO NGHỀ PHI NÔNG NGHIỆP – HOMIQ GROUP
Với chương trình đào tạo nghề sơ cấp thường xuyên, học viên sẽ được trang
Th3
NGHỀ CHĂM SÓC SẮC ĐẸP, CHĂM SÓC DA CÓ PHÙ HỢP VỚI NAM GIỚI?
Nghề chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc da không còn là khái niệm xa
Th3
Y HỌC CỔ TRUYỀN – NGÀNH HỌC HOT, ĐÓN ĐẦU XU THẾ “SỐNG XANH”
Xu hướng sống “xanh”, ưu tiên dùng thảo dược hữu cơ tự nhiên và phương
Th2
6 NGHỀ TRIỂN VỌNG “HÁI RA TIỀN” SAU KHOÁ HỌC TẠI HOMIQ GROUP
Học nhanh, lý thuyết nền tảng vững chắc & thực hành từ cơ bản đến
Th2
LỄ KHAI GIẢNG KHOÁ ĐÀO TẠO NGHỀ – THÁNG 02/2025 TẠI HOMIQ GROUP
Vừa qua, HomiQ Group tổ chức lễ khai giảng khoá đào tạo nghề cho các
Th2
TUYỂN SINH HỌC NGHỀ “KHÔNG LO HỌC PHÍ” – THÁNG 02/2025
Với chương trình đào tạo nghề từ cơ bản đến chuyên sâu, học viên HomiQ
Th2